trang chủ tin tức Doanh số một số ôtô nhập khẩu thống trị thị trường Việt Nam

Doanh số một số ôtô nhập khẩu thống trị thị trường Việt Nam

Những cái tên như Creta, Corolla Cross, Xpander... bán hơn 12.000 chiếc mỗi năm, con số đủ để hãng xem xét nội địa hoá bên cạnh nhiều điều kiện khác.

Trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam 2022, xe nhập khẩu có 4 cái tên góp mặt: Toyota Corolla Cross, Toyota Veloz, Mitsubishi Xpander, Hyundai Creta. Những mẫu xe này đều bán hơn 12.000 chiếc/năm, tương đương trung bình 1.000 xe/tháng. Dưới đây là những mẫu xe nhập bán tốt nhất tại Việt Nam:

Capture

Mitsubishi Xpander

Nhập khẩu Indonesia và ra mắt thị trường Việt nửa sau 2018, Mitsubishi Xpander chỉ mất một năm để vươn lên dẫn đầu doanh số thị phần phân khúc MPV phổ thông giá dưới một tỷ đồng tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Xpander khiến nhóm xe đa dụng xáo trộn, đặc biệt là sự thoái trào của biểu tượng suốt thời gian dài trước đó, Toyota Innova.

Một mẫu Xpander lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Một mẫu Xpander lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Thiết kế trẻ nhờ ngôn ngữ Dynamic Shiled phù hợp với số đông, công năng sử dụng vừa đủ, 7 chỗ và một mức giá dễ tiếp cận, Xpander xuất hiện muộn hơn các đối thủ như Kia Rondo, Suzuki Ertiga nhưng nhanh chóng trở thành lựa chọn số một trong phân khúc. Xpander được các chuyên gia đánh giá là sản phẩm hài hoà nhất về thiết kế lẫn trang bị, hướng đến nhu cầu sử dụng cho gia đình lẫn kinh doanh dịch vụ vận tải.

Năm 2022, Xpander vượt qua kỷ lục của chính mình 2019 khi bán hơn 22.000 xe và là mẫu xe nhập bán chạy nhất phân khúc 4 năm liên tiếp. Thị phần của Xpander chiếm khoảng gần 41% phân khúc, gần gấp đôi đối thủ chính Veloz. Tại đại lý, Xpander ít khi được giảm giá vì nhu cầu của khách hàng luôn cao thường trực.

Mẫu xe của Mitsubishi có một lượng nhỏ chưa đến 1% (745 xe) lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương và đều là bản số sàn MT. Nhờ có Xpander, doanh số Mitsubishi từ chỗ làng nhàng ở nhóm cuối vươn lên thuộc top các hãng có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Toyota Corolla Cross

Corolla Cross là sản phẩm khởi đầu cho những thay đổi mạnh mẽ từ Toyota khi ngôi vị dẫn đầu doanh số làng xe Việt của hãng Nhật bị đe doạ bởi những thương hiệu Hàn như Hyundai, Kia. Trong bối cảnh RAV4 vẫn chưa có kế hoạch bán tại khu vực Đông Nam Á, Corolla Cross trở thành cái tên tiên phong tham chiến ở phân khúc đang tăng trưởng nóng, CUV cỡ nhỏ.

Corolla Cross lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quân

Corolla Cross lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quân

Ra mắt khách Việt từ nửa sau 2020 bằng hình thức nhập khẩu Thái Lan, Corolla Cross ngay lập tức tạo nên một cơn sốt khi đội giá tại đại lý bằng hình thức "bia kèm lạc" hàng chục triệu đồng. Để có các suất ưu tiên giao sớm, khách mua xe phải chi thêm hàng chục triệu đồng phụ kiện.

Doanh số Toyota Corolla Cross liên tiếp tăng trưởng và dẫn đầu phân khúc từ 2021 đến nay. Năm 2022, lượng bán của mẫu xe này đạt 21.473 xe. Trong dải sản phẩm của Toyota, doanh số của của Corolla Cross chỉ xếp sau "ông vua" Vios.

Corolla Cross sở hữu nhiều điểm mạnh nhờ thừa hưởng nền tảng khung gầm toàn cầu TNGA của Toyota. Thiết kế xe hiện đại chứ không nhàm chán như nhiều mẫu xe "anh em" tại Việt Nam. Toyota cũng xoá bỏ định kiến xe Nhật chậm cập nhật công nghệ khi đem gói an toàn TSS lên Corolla Cross. Dù sở hữu mức giá cao hàng đầu phân khúc, mẫu xe của Toyota vẫn thống trị và bỏ xa doanh số các đối thủ xếp sau như Mazda CX-30, Nissan Kicks...

Toyota Veloz

Innova thoái trào khi đã ở cuối vòng đời và sự xuất hiện của nhiều cái tên "vừa miếng", hợp xu hướng tiêu dùng hơn. Nhưng Toyota cho thấy sự nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu, thứ được xem là thế mạnh của hãng khi trình làng Veloz và mẫu xe song sinh thấp cấp hơn, Avanza vào 2022.

Veloz tại một địa điểm ở TP Đà Nẵng. Ảnh: TMV

Veloz tại một địa điểm ở TP Đà Nẵng. Ảnh: TMV

Toyota đã bán hai mẫu MPV: Avanza và Rush từ 2018 như Mitsubishi Xpander nhưng không thành công. Avanza thiết kế già cỗi, Rush hiện đại hơn nhưng giá khá cao khiến bộ đôi không đạt doanh số như kỳ vọng, thị phần phân khúc gần rơi trọn vào Xpander. Rush ngừng bán, còn Avanza bán cầm chừng.

Tháng 3/2022, Toyota mang trở lại Avanza và mẫu xe cao cấp hơn nhưng chung nền tảng DNGA (của Daihatsu), Veloz. Những thứ khách hàng cần như thiết kế trẻ trung, trang bị vừa đủ và giá bán cạnh tranh, hai mẫu xe của Toyota đều có đủ. Riêng Toyota Veloz bán hơn 14.000 xe trong 2022, còn Avanza gần 3.600 xe và đều nhập Indonesia.

Doanh số của Avanza, đặc biệt Veloz đúng như kỳ vọng của hãng Nhật. Tuy chưa thể tiệm cận ngôi vương của Xpander nhưng đây vẫn là kết quả tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước đó khi Toyota bán Avanza (cũ) và Rush. Để chủ động hơn về nguồn cung, Toyota bắt đầu lắp ráp bộ đôi MPV này cuối 2022 và bán ra từ 2023.

Hyundai Creta

Sự xuất hiện của Hyundai Creta khiến ngôi vương doanh số của Kia Seltos ở phân khúc CUV cỡ B lung lay. Nhập Indonesia, Creta chỉ có hơn 9 tháng bán ra trong 2022 nhưng doanh số đạt 12.096 xe, tiệm cận Setos, 12.398 xe bán cả năm. Đến đầu 2023, mẫu xe Hyundai được phân phối bởi Thành Công chính thức vượt qua đối thủ đồng hương Kia lắp ráp bởi Trường Hải.

Hyundai Creta lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh: Lương Dũng

Hyundai Creta lăn bánh tại Việt Nam. Ảnh: Lương Dũng

Sau vài năm quen thuộc với Seltos, Hyundai Creta với khách hàng như một gia vị mới trong phân khúc nhờ thiết kế mới lạ hơn. Trang bị của Creta ngang ngửa Seltos trong khi công nghệ an toàn có phần nhỉnh hơn, giá bán rẻ hơn đôi chút. Thị hiếu của khách dần chuyển sang mẫu xe nhập khẩu của Hyundai.

Trong thời gian tới, Hyundai Creta sẽ được Thành Công chuyển sang lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Ninh Bình. Đóng góp doanh số của Creta hiện chỉ xếp sau mẫu sedan cỡ B, Accent.

Như vậy, trong bốn mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất thị trường, chỉ Corolla Cross là chưa có kế hoạch hoặc chưa từng lắp ráp. Xpander từng lắp bản số tự động trong nước, Creta sẽ ra mắt sắp tới và Veloz đang bán bản lắp ráp.

Việc lắp ráp một mẫu xe nào đó, ngoài yếu tố định hướng chiến lược, hãng cần tính đến sức tiêu thụ đủ lớn để đầu tư dây chuyền sản xuất, rút ngắn thời gian khấu hao sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đại diện nhiều hãng xe tại Việt Nam cho biết, doanh số của một sản phẩm từ 10.000 xe/năm trở lên có thể xem xét lắp ráp nội địa. Cả bốn mẫu xe trên, doanh số tối thiểu đã hơn 12.000 xe.

(Nguồn vnexpress)